QR Code sẽ bành trướng trên thị trường thanh toán điện tử năm 2018?
Thanh toán bằng QR Code an toàn hơn thẻ tín dụng
Theo dự báo của một số chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán, tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 8.000 cửa hàng, website chấp nhận hình thức thanh toán bằng QR Pay của các ngân hàng, và con số dự tính sẽ lên tới 50.000 đến hết năm 2018.
Thông tin này được đại diện của VISA chia sẻ tại một hội thảo “Thanh toán QR Code (Mã vuông) và trả góp 0%” do công ty cổ phần MPOS Việt Nam phối hợp với tổ chức thẻ quốc tế VISA tổ chức tại Hà Nội dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).
Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước đầu tiên được VISA đưa hình thức thanh toán QR Code vào hoạt động và giải pháp thanh toán này được sử dụng thống nhất trên toàn cầu, người dùng sử dụng các ứng dụng có tích hợp VISA QR có thể thanh toán tại các điểm chấp nhận VISA QR trên thế giới tương tự như sử dụng thẻ VISA. Tại Việt Nam, MPOS là đối tác chiến lược quan trọng giúp phát triển mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán VISA QR trên toàn quốc.
Hiện có quá nhiều các ứng dụng thanh toán di động khác nhau đang gây ra sự bất tiện cho người tiêu dùng. Ấn Độ là đất nước đi tiên phong trong việc đồng bộ hóa thị trường thanh toán di động với một chuẩn mã QR chung, và đây cũng là hướng đi hợp lý cho Việt Nam trong bối cảnh thị trường đón nhận hàng loạt các giải pháp thanh toán bằng QR code.
QR Code được xem là một hình thức thanh toán thuận tiện và theo như ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM, việc ứng dụng QR Code (Mã vuông) sẽ giúp thương mại điện tử phát triển nhanh và đều khắp hơn vì khâu thanh toán được thực hiện nhanh chóng và an toàn, đặc biệt chính sách trả góp 0% sẽ khuyến khích khách hàng mua sắm nhiều hơn do thuận lợi hơn khi thu xếp vấn đề tài chính.
Điểm nổi bật của QR Code là giải quyết được bài toán về mất an toàn khi thanh toán qua thẻ tín dụng, theo bà Sara - đại diện tổ chức thẻ tín dụng VISA cho biết: “Với hình thức thanh toán qua mã vuông QR Code, các đơn vị kinh doanh sẽ tuyệt đối an toàn trước vấn nạn “giao dịch bẩn" như hình thức thanh toán thẻ tín dụng thông thường. Với giao dịch thẻ tín dụng thông thường, các hacker có thể chiếm đoạt thông tin thẻ của nạn nhân và sử dụng để mua sắm toàn cầu, tuy nhiên với mã vuông QR Code được định danh cá nhân 100% giữa thẻ tín dụng, chủ tài khoản ngân hàng và số điện thoại, ứng dụng điện thoại...nên việc ăn cắp thông tin thẻ để giao dịch không thể xảy ra.”
Theo ông Trần Trí Mạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay), liên quan đến những rủi ro mà người dùng QR Code có thể gặp phải, theo ông Mạnh rủi ro dẫn tới mất an toàn tài khoản người dùng QR Code rất thấp và hầu như người dùng khó có khả năng bị ảnh hưởng, kể cả khi bị mã độc tấn công chiếm mất tài khoản người dùng cũng không bị ảnh hưởng.
Lý do bởi vì QR Code chỉ là cách tiếp cận thông tin thông tin cần thiết để nhận biết khách hàng mà khó có thể bị lộ thông tin, đây là ưu điểm lớn nhất. Tiềm ẩn rủi ro lớn nhất nằm ở chiếc điện thoại Smartphone, bởi mọi thông tin quan trọng của người dùng đều nằm ở trên chiếc điện thoại, do đó người dùng phải cẩn trọng để giữ chiếc điện thoại của mình, nếu điện thoại bị mất sẽ mất rất nhiều thông tin quan trọng. Tuy nhiên, người dùng QR Code cũng không nên quá lo ngại, bởi khi bị mất điện thoại thì vẫn còn phương thức bảo mật khác như dấu vân tay để mở điện thoại, mật khẩu, hoặc hiện nay còn có một số loại điện thoại còn có tính năng nhận dạng bằng khuôn mặt.
Trong trường hợp bị mã độc tấn công chiếm tài khoản, thì người dùng QR Code cũng không bị ảnh hưởng, bởi vì khi thanh toán người dùng còn có bước đăng nhập vào tài khoản và mật khẩu, sau đó ngân hàng còn xác thực bằng mật khẩu dùng một lần (OTP). Cho nên có thể nói QR Code là một phương thức thanh toán đảm bảo an toàn tài khoản, an toàn thông tin người dùng rất tốt.
Ngân hàng bận rộn triển khai thanh toán bằng QR Code
Ông Trần Trí Mạnh dự báo năm 2018 sẽ là năm rất bận rộn đối với các ngân hàng, các doanh nghiệp triển khai QR Code. Bởi năm 2018 sẽ có thêm nhiều đơn vị kinh doanh, tổ chức ngân hàng sẽ chuẩn bị hạ tầng để áp dụng một phương thức thanh toán mới, thanh toán bằng mã xác thực QR Code. Dự kiến trong vòng khoảng 2-3 năm nữa, thanh toán bằng QR Code sẽ phát triển song song với các phương thức thanh toán điện tử khác, góp phần làm giảm tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trong năm 2017, VNPay đã ký thỏa thuận hợp tác với 12 ngân hàng để kết nối hệ thống thanh toán bằng QR Code, có 8 ngân hàng đã chính thức triển khai, 4 ngân hàng khác đang trong giai đoạn rà soát các yếu tố về kỹ thuật. VNPay cũng đặt mục tiêu sẽ tiếp tục mở rộng triển khai kết nối thanh toán bằng QR Code với các ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán khác.
Để có thể ứng dụng QR Code trong giao dịch thanh toán, người dùng cần có một tài khoản ngân hàng đăng ký dùng Mobile banking, hoặc có đăng ký tài khoản với các tổ chức trung gian thanh toán. Khi đăng ký sử dụng thì tài khoản thanh toán của người dùng sẽ được gán với một mã thẻ và người dùng chỉ cần chụp mã QR này là có thể thanh toán được.
QR Code mang lại rất nhiều tiện ích cho cả hai đối tượng là người bán hàng và người mua hàng. QR Code hỗ trợ các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ tăng doanh thu của mình, thúc đẩy bán hàng, giúp cho người mua thanh toán thuận tiện, người bán cũng đưa được sản phẩm tới người mua dễ dàng hơn mà chỉ mất một khoản chi phí rất nhỏ.
Một năm trở lại đây, thị trường Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của hàng loạt các ứng dụng thanh toán điện tử khác nhau. Đây là kết quả của điều kiện lý tưởng hiện tại với hơn 130 triệu người dùng thiết bị di động, trong đó có tới 48 triệu thiết bị là smartphone (Báo cáo tổng quan thị trường di động Việt Nam đầu năm 2017 do Appota công bố), song song với đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Các ngân hàng trong nước đang trong quá trình kết hợp với VNPAY để hợp nhất một chuẩn mã QR chung cho toàn thị trường thanh toán bằng QR tại Việt Nam. Chuẩn QR hiện đã chính thức được đưa vào ứng dụng bởi 10 ngân hàng lớn là BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank, ABBANK, SCB, IVB, NCB, SHB, MSB với hơn 7 triệu người dùng. Định dạng QR này được phân thành hai loại chính, hỗ trợ cho việc thanh toán của các đơn vị kinh doanh cũng như khách hàng: Mã QR Sản phẩm (mã tĩnh) cài sẵn thông tin giá của sản phẩm và mã Terminal (mã QR động) để định danh điểm chấp nhận thanh toán cho phép người dùng tự nhập giá trị đơn hàng phải thanh toán.
Định dạng QR trên ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng được xây dựng và chứng nhận dựa theo chuẩn EMVCo quốc tế. EMVCo là tổ chức toàn cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật bảo mật EMV, được thành lập bởi các tổ chức thanh toán lớn là MasterCard, Visa, American Express, Discover, JCB và UnionPay.
Tháng 8 vừa qua, EMVCo đã chính thức đưa vào lưu hành một chuẩn định dạng QR chung. Việc mã QR phát triển bởi các ngân hàng nội địa đạt chuẩn đồng nghĩa với việc các ứng dụng di động của sáu tổ chức thanh toán quốc tế có thể quét được định dạng mã QR này và ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng trong nước cũng có thể quét được mã của các tổ chức quốc tế. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc thanh toán thông qua mã QR, cả trong nước lẫn quốc tế.
Theo ông Trần Trí Mạnh, khó khăn nhất khi triển khai thanh toán bằng QR Code hiện nay là phải đào tạo và tuyên truyền cho người dùng hiểu được lợi ích khi dùng QR Code, kể cả người chấp nhận thanh toán và cả người mua hàng cần phải thay đổi hành vi của mình. Để làm được điều này cần phải có thời gian để thực hiện.
Nguồn tin: ICTNEWS
Những tin mới hơn